Giáo sư Vũ Khiêu với bài văn bia tưởng niệm liệt sĩ giáo dục

02/10/2021 21:04

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có hơn 4.000 nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đã lên đường đi B theo tiếng gọi non sông, thể hiện lương tâm nhà giáo, trách nhiệm công dân, xây dựng nền giáo dục cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tiểu ban giáo dục thuộc Trung ương Cục miền Nam.

Họ vừa dạy học vừa cầm súng chiến đấu và đã có 621 nhà giáo (trong đó có nhiều người quê Nam Định) đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giáo dục miền Nam. Để tưởng nhớ và ghi ơn công lao của các nhà giáo liệt sĩ, Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đã cho quy tập, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ nhà giáo Việt Nam trên ngọn đồi 82, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Điểm đặc biệt và rất đáng chú ý trong nghĩa trang này là sự hiện diện bài văn bia tưởng niệm các liệt sĩ - nhà giáo của Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu (ông quê ở Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định).

21-1601-1633183358.jpg
GS. Vũ Khiêu

Nhà bia tưởng niệm được khánh thành ngày 27 tháng 7 năm 2004, đặt ở trung tâm nghĩa trang. Phía ngoài nhà bia là bàn hương nến, còn phía trong là một tấm bia lớn. Mặt trước tấm bia khắc trang trọng bài văn tưởng niệm. Mặt sau là danh sách cụ thể 621 liệt sĩ nhà giáo, quê ở mọi miền đất nước. Công trình này của Giáo sư Vũ Khiêu gồm 42 cặp đối, được chia thành 5 phần (Tiếng gọi non sông; Lương tâm nhà giáo; Trách nhiệm công dân; Vì nước hy sinh; Ngàn thu sống mãi). Đây là một áng văn thể phú Đường luật mẫu mực, nhằm tôn vinh công trạng và ca ngợi sự hy sinh anh dũng của các nhà giáo. Với lối văn biền ngẫu cân xứng, nhịp nhàng và ngôn ngữ trang trọng, trong sáng đẹp đẽ cùng sự nhập thân tuyệt đối của tác giả Vũ Khiêu, bài văn bia đã tái hiện cuộc chiến đấu thầm lặng mà cao cả của đội quân giáo dục trong suốt 20 năm chống Mỹ. Người đọc thấy hiện lên rất nhiều gương mặt nhà giáo tiêu biểu của ngành giáo dục nước nhà. Họ vừa làm nhiệm vụ giảng dạy, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu với những công việc cụ thể khác nhau, rồi hy sinh trong những hoàn cảnh khác nhau. Có nhà giáo ngã xuống khi lấy thân mình che cửa hầm tránh pháo cho học sinh; có cô giáo - đội viên đội biệt động, hy sinh trên hè phố Sài Gòn; có thầy giáo ngã xuống trước họng súng quân thù khi tổ chức cho nhân dân phá tề phá ấp; và còn có những người hy sinh khi đang trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường ác liệt như nhà thơ - nhà giáo Lê Anh Xuân, nhà thơ - nhà giáo Trần Hữu Đức (quê Nam Định)… Những nhà giáo đã không trở về với bục giảng nhưng tấm gương cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà và tinh thần chiến đấu cho nền độc lập, thống nhất Tổ quốc của các liệt sĩ vẫn sống mãi ngàn thu:

Hiến thân cho nước, sống đã vinh mà thác cũng vinh
Hết dạ vì dân, mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ
Đạo làm thầy mãi mãi nêu cao
Gương trí thức đời đời sáng tỏ…

Bài văn bia mang âm hưởng hùng tráng mà bi thương, vừa thể hiện niềm tự hào vừa biểu thị niềm nhớ thương vô hạn đối với những liệt sĩ - nhà giáo, nên có sức mạnh tình cảm rất kỳ diệu. Người đọc đều thấm thía, xúc động trước câu văn:

Xưa Trường Sơn kiếm bút hai vai, đạn nổ bom rơi cũng vững chí
Nay nghĩa địa tuyết sương một nấm, kẻ còn người mất luống thương tâm

(Lời văn bia)

Để sáng tạo tác phẩm này, ngoài cái tài viết thể phú và làm câu đối cùng cái Tâm cao cả của mình, Giáo sư Vũ Khiêu đã phải dành 4 tháng liền để dồn tâm huyết soạn thảo, đọc nhiều tài liệu để được ngắm nhìn chân dung các nhà giáo trẻ năm xưa, để biết được những tình huống và gương hy sinh dũng cảm của các liệt sĩ, để nhập vai thành đồng đội, thành thân nhân của các liệt sĩ, cùng sống với khí thế oai hùng của đội quân giáo dục trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước… Đó chính là những yếu tố tạo nên sự thành công, sự truyền cảm mạnh mẽ đến người đọc của bài văn bia - một áng văn bia được trang trọng đặt trên bàn thờ các liệt sĩ - nhà giáo Việt Nam.

Những năm gần đây, vào các ngày Giải phóng miền Nam 30 tháng 4, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11… nghĩa trang liệt sĩ nhà giáo trên đồi 82 (Tây Ninh) này là địa chỉ tìm về thăm viếng của các thế hệ nhà giáo và nhân dân trên khắp mọi miền đất nước. Mọi người đến đây để thắp hương tưởng niệm, tỏ lòng thương nhớ các liệt sĩ; để cảm nhận âm hưởng hào hùng, xúc động của bài văn bia và khắc ghi công lao to lớn của các liệt sĩ - nhà giáo đối với nền giáo dục cách mạng, đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta./.

Trần Văn Lợi